Truy cập

Hôm nay:
363
Hôm qua:
377
Tuần này:
1152
Tháng này:
11844
Tất cả:
926306
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN XÃ QUANG TRUNG


Từ năm 1976 vùng đất của xã Hà Dương trước đây và sau này khi chia tách là xã Quang Trung đã được huyện Hà Trung (huyện Trung Sơn cũ) và UBND tỉnh Thanh Hóa xác định đây là vùng kinh tế mới phía Bắc của tỉnh, ở đây có tiềm năng về đất đai, đồi, núi, sông ngòi tự nhiên tương đối phong phú chưa được khai thác hết. Vì vậy Huyện ủy - UBND huyện Trung Sơn đã có Nghị quyết biến vùng đất hoang hóa, sình lầy vốn là những cánh đồng năn, lác, chua, phèn này thành ruộng cấy lúa 2 vụ. Với đặc thù đất rộng, người thưa nên Huyện ủy và UBND huyện đã vận động bà con khác xã thuộc huyện Nga Sơn lên xây dựng vùng kinh tế mới ở làng Cẩm La, Cổ Đam, Nghĩa Môn, Cẩm Tân, Phú Dương và Trạch Lâm. Ngoài bà con ở các xã thuộc huyện Nga Sơn còn có nhiều bà con từ các vùng miền khác trong Tỉnh, trong cả nước đến đây lập nghiệp, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm sống ân tình giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết tạo dựng cuộc sống mới. Địa bàn thì rộng, dân số ngày càng đông, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy và UBND huyện Trung Sơn. Ngày 30/03/1980, Đảng ủy, UBND xã Hà Dương đã tổ chức Hội nghị ra Quyết nghị trình cấp trên đề nghị tách xã Hà Dương thành 2 xã lấy tên là xã Hà Dương và xã Quang Trung. 

Đề nghị của xã Hà Dương đã được Hội đồng Nhà nước phê chuẩn tại Nghị định số: 276/HĐBT ngày 29/8/1980, từ đó xã Quang Trung chính thức được thành lập mang tên người Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Với tổng diện tích tự nhiên là: 957 ha, phía Nam giáp xã Hà Dương huyện Hà trung; phía Bắc giáp Phường Ngọc Trạo, Phường Ba Đình, Phường Lam Sơn; phía Đông giáp với xã Hà Lan; phía Tây giáp với xã Hà Bắc huyện Hà Trung.

Dân số của xã lúc chia tách là: 851 hộ có 3.661 khẩu, bao gồm làng Cẩm La, Nghĩa Môn, Cổ Đam, Cẩm Tân, Phú Dương, Đồn Bỉm, Trạch Lâm và đội 6 khu Đoàn Kết (Phường Ngọc Trạo). Cũng trong thời gian này, Huyện ủy và UBND huyện Trung Sơn đã có quyết định thành lập ban trù bị để tiến hành công việc chia tách xã gồm có: xã Hà Dương 7 đ/c; xã Quang Trung 7 đ/c (Đ/c Nguyễn Hữu Chính, Trịnh Quang Vanh, Nguyễn Huy Toàn, Lê Văn Tạo, Nguyễn Hồng Tư, Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Văn Láp), Đ/c Nguyễn Hữu Chính là Trưởng ban; Đ/c Trịnh Quang Vanh là Phó ban.

Về cơ sở vật chất: Ngoài đất đai, đồi núi, sông ngòi, lúc đầu chỉ có 4 phòng học cấp 4B tại Đồn Bỉm là nơi dạy học cho gần 300 học sinh. Trụ sở làm việc của Đảng ủy – UBND xã không có phải nhờ nhà dân làm việc. Các công trình phúc lợi của xã hầu như không có gì, đời sống của nhân dân thời kỳ ấy vô cùng khó khăn, thường xuyên phải xin Nhà nước trợ cấp cứu đói. Sản xuất chậm phát triển lại bị thiên tai tàn phá nặng nề mất mùa liên tục.

Năm 1980-1985 lũ lụt vỡ đê, lúa bị ngập, nhà cửa hoa màu bị tàn phá nặng nề, một số hộ đã bỏ về quê cũ và hoặc vào Miền Nam sinh sống gây tư tưởng hoang mang giao động trong nhân dân, nhất là số dân lên xây dựng vùng kinh tế mới – HTX Tân Trung, có thể nói đây là thời kỳ khó khăn nhất của xã, trong đánh giá tình hình tại báo cáo Đại hội Đảng bộ lần thứ III của xã nhấn mạnh “Những khó khăn chồng chất khó khăn có lúc tưởng chừng không thể vượt qua nổi”. Song Đảng bộ và nhân dân xã Quang Trung đã đoàn kết nhất trí một lòng, một dạ theo Đảng, từng bước khắc phục khó khăn thử thách, từng bước đi lên.

CÔNG KHAI DANH MỤC TTHC